Động Hoa Lư, Châu Đại Hoàng, Đại Cồ Việt (阮 有 家 族 譜)

Bổn phận gánh vác bảo tồn Phả Gia.

- Mọi ý kiến đóng góp nhằm xây dựng phả gia xin liên hệ trực tiếp: CÔNG TY TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á, ĐTDĐ: 0949 959 389 - 0938 568 788 - 0916 569 788 - 0916 869 788 Nguyên Chủ Tịch HĐQT, Chủ Tịch HĐTS TỘC NGUYỄN HỮU GIA VIỄN - NINH BÌNH, Nguyên Ủy Viên Thường Trực Hội Đồng Dòng Tộc Nguyễn Bặc Toàn Quốc - Nguyễn Hữu Nam, Tức Bảo Nam

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

IV. Công đức của Tam Hoàng - Ngũ Đế:

1. Ngũ Long:
Vua Ngũ Long dạy dân lột da thú làm áo quần, lấy lá cây làm nón che đầu.
2. Hữu Sào: (Hữu là có, Sào là tổ chim)
Vua Hữu Sào dạy dân làm ổ trên cây để ở, tránh nạn thú dữ hãm hại, sau dạy dân đốn gỗ làm giàn cất gác, lợp nhà, thế cho hang lỗ trước kia. Con người bây giờ không còn ăn chung ở lộn với các loại thú cầm.
3. Toại Nhân: (Toại là khoan gỗ lấy lửa, Nhân là người)
Toại Nhân là người tìm ra được lửa, dạy dân chúng dùng lửa để nấu chín thức ăn cho khỏi tanh hôi. Việc tìm ra lửa là một phát minh vô cùng quan trọng, vì nó giúp con người nấu nướng thức ăn, khỏi phải ăn thịt sống như cầm thú.
Nhờ Hữu Sào, con người thoát khỏi cảnh ở hang lỗ.
Nhờ Toại Nhân, con người có lửa, tách khỏi cầm thú.
4. Phục Hy:
Vua Phục Hy có mẹ tên là Hoa Tư. Ngày kia, bà thong thả dạo cảnh trong núi, bỗng thấy một vị cừ nhân đi qua, để lại vết chân rất sâu và lớn. Bà Hoa Tư tình cờ bước theo dấu chân ấy của linh Thần, bèn cảm động tâm thần, chợt thấy hồng quang chiếu vào bụng, liền thọ thai, 16 tháng sau, sanh ra Phục Hy tại xứ Thành Kỷ (bây giờ là Hiệp Tây).
Phục Hy còn có tên là Thiếu Hạo, khổ người cao lớn, cao 1 trượng 6 thước, có nhiều đức tốt, được dân chúng tôn lên làm vua năm Ngài 18 tuổi.
Phục Hy định kinh đô tại Huyển Khưu, lấy Mộc đức trị dân. Ngài có bốn bề tôi lương đống là: Cộng Công, Bá Hoàng, Châu Nương, Hào Anh, cùng với em gái là Bà Nữ Oa, giúp việc trị nước an dân, trên thuận mạng Trời, dưới hòa mọi người. Các bộ tộc lân bang, bát man, phi cầm tẩu thú đều mến đức, đến chầu Ngài. Ngài là vị vua có huệ nhãn, biết được các lẽ bí mật của cõi vô hình.
Một ngày kia, nghe dân báo có một con quái vật đầu rồng mình ngựa, mới nổi lên trên sông Hoàng Hà làm nước sông dâng cao lụt lội. Ngài liền đến đó, thấy quái vật, Ngài biết nó là con Long Mã, một loài thú linh.
Ngài nhìn nó nói rằng:
- Nếu phải nhà ngươi đem vật báu đến dâng ta thì hãy lại gần đây.
Long Mã như biết nghe tiếng người, từ từ đi khơi khơi trên mặt nước vào bờ, đến trước Phục Hy, quì xuống. Nhà vua gỡ lấy bửu kiếm trên lưng, và nhìn thấy trên lưng Long Mã có một bức đồ gồm 55 chấm đen trắng. Sau đó, Long Mã trở ra giữa sông, rồi biến mất. Mực nước sông Hoàng Hà sụt xuống, trở lại như trước.
Vua Phục Hy vẽ lại những chấm đen trắng trên lưng Long Mã, tạo thành bức đồ gọi là Hà Đồ, rồi nhà vua quan sát các hiện tượng thiên nhiên trong Trời Đất, sáng chế ra Tiên Thiên Bát Quái Đồ, để giải thích sự hình thành CKVT.
Vua Phục Hy lại chế ra lịch cho dân dùng, định năm tháng và mùa tiết cho dân gieo trồng cấy gặt.
Về âm nhạc, vua Phục Hy chế ra đàn sắt, đàn cầm và ca khúc Giá Biện. Phục Hy chế ra lưới đánh cá. Câu Mang phỏng theo lưới đánh cá ấy mà làm ra lưới bắt chim. Nhờ các sáng chế nầy mà dân chúng dễ kiếm sống hơn trước.
Sách Cổ Sử Khảo (được dẫn trong sách Dịch Sử) viết rằng: Phục Hy đặt ra giá thú. Bà Nữ Oa là Thần Bà Mối đặt ra hôn nhân.
Sách Trung quốc Sử lược của Phan Khoang viết: "Phục Hy dạy dân nuôi thú vật để sai khiến, làm lưới để săn và đánh cá, nuôi tằm, vẽ Bát quái chỉ cái lẽ Âm Dương biến hóa của vạn vật, chế đàn cầm đàn sắt, dạy dân phép cưới vợ gả chồng (dùng một đôi da thú làm lễ, vì ở thời kỳ ngư lạp, da thú là quí), từ đó mới có các danh từ gia tộc."
Phục Hy làm vua được 97 năm thì băng. Em gái là Nữ Oa lên kế vị. Bà có tài luyện Ngũ Vân Thạch bổ Thanh Thiên. Tương truyền, Bà Nữ Oa làm vua được 130 năm thì mất.
5. Thần Nông:
Vua Thần Nông hiệu là Viêm Đế, tên là Thạch Niên, con của ông Thiếu Điền và bà An Đăng. Tương truyền bà nằm mộng thấy rồng đoanh và sanh ra Ngài tại thạch thất trong núi Liệt Sơn. Vua Thần Nông có khổ người to lớn, bề cao 8 thước 7 tấc, được tôn làm vua, lấy Hỏa đức cai trị dân, được thiên hạ phục tòng, long chầu hổ bái. Thật là đời thái bình Thánh đức.
Thần Nông thấy dân chúng giết thú vật ăn thịt quá nhiều, lòng chẳng nỡ, liền đi tìm kiếm các giống ngũ cốc, rồi chế ra cày bừa, dạy dân cày cấy gieo trồng ngũ cốc, gặt lấy hạt rồi nấu chín mà ăn. Vua Thần Nông tổ chức cho dân họp chợ, trao đổi hàng hóa để mọi người dân có đủ đồ dùng. Nhờ vua Thần Nông mà dân chúng bắt đầu định cư định canh, từ bỏ dần đời sống du mục.
Ngài thấy dân chúng bệnh hoạn ốm đau, Ngài ra công tìm kiếm các loại cây thuốc để trị bịnh cho dân. Tương truyền, vua Thần Nông có chiếc roi thần, Ngài vụt roi vào cây thì Ngài biết được tính chất trị bịnh của từng cây thuốc.
Cũng có thuyết nói rằng, vua Thần Nông phải nếm các cây thuốc để định dược tính của nó. Có khi trong một ngày, nhà vua phải nếm đến 70 loại cây thuốc khác nhau, có nhiều cây độc khiến Ngài nhiễm bịnh. Ngài phải suy nghĩ tìm cách trị bịnh cho mình có kết quả, rồi đem kinh nghiệm ấy truyền dạy cho dân. Ngày kia, Ngài nếm phải một cây thuốc rất độc, làm cho Ngài bị đứt ruột mà chết. Dân chúng hay được đều than khóc thương tiếc Ngài. Ngài mất ở Trường Sa, thọ 140 tuổi, làm vua được 120 năm.
Ngài là vị vua dám hy sinh tánh mạng của mình để tìm ra dược tính của cây thuốc mà trị bịnh cho dân. Dân chúng rất nhớ ơn Ngài, tôn Ngài là Tổ của nghề làm ruộng và Tổ của nghề chế thuốc trị bịnh. Thật là một vị Đại Đức Chơn Vương.
6. Hoàng Đế tức Hiên Viên Huỳnh Đế:
Vua Hoàng Đế hiệu là Hiên Viên, con của bà Phù Bửu. Mẹ Ngài nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thọ thai sanh ra Ngài. Thuở nhỏ, Ngài rất thông minh, có tánh thần linh, thường khuyên người đồng thời lo làm lành và tu ngũ đức.
Theo sách Ngũ Đế Bản Kỷ, thì sau đời vua Thần Nông, các bộ tộc mạnh nổi lên tranh giành quyền hành, mà bộ tộc Xuy Vưu là hùng mạnh hơn cả, nhưng rất tàn ác. Những bộ tộc nào không tùng phục Xuy Vưu thì bị Xuy Vưu đem binh đến đánh tiêu diệt. Các bộ tộc liên kết với nhau chống lại Xuy Vưu, tôn thủ lãnh bộ tộc Hữu Hùng Thị ở huyện Tân Trịnh lên làm Thống lãnh đánh lại Xuy Vưu.
Trận đánh dữ dội xảy ra ở Trác Lộc, sương mù bao phủ dày đặc làm cho không nhận định được phương hướng, Hữu Hùng Thị bị Xuy Vưu vây hãm, không biết đường nào đánh ra cho thoát. Tương truyền Bà Cửu Thiên Huyền Nữ hiện đến giúp Hữu Hùng Thị chế tạo xe hai bánh chỉ Nam để định phương hướng, và dạy cho binh pháp. Nhờ vậy, Hữu Hùng Thị biết hướng và cách đánh ra, khiến cho Xuy Vưu thảm bại và bị giết chết. Thủ lãnh Hữu Hùng Thị được các bộ tộc tôn lên làm vua, xưng hiệu là Hiên Viên Hoàng Đế, lấy Thổ đức trị dân.
Hoàng Đế (Huỳnh Đế) chế tạo được thuyền bè để đi lại và chở hàng hóa trên sông, làm nhà cửa để ở tránh mưa gió.
Sách Hoài Nam Tử chép rằng: Hoàng Đế sai bề tôi là ông Thương Hiệt chế ra chữ viết. Thương Hiệt quan sát hình tượng các vật trên mặt đất, hợp với các Thiên tượng mà chế tác ra văn tự tượng hình. Khi văn tự chế thành thì tiếng sấm nổ vang, quỉ Thần đều run sợ, Trời mưa xuống những hạt lúa trắng ban cho dân ăn mạnh khỏe.
Tuy chữ viết rất thô sơ nhưng cũng ghi lại được những sự việc quan trọng của các đời trước, những kinh nghiệm, kiến thức, sự tích để truyền bá và lưu lại. Nhờ đó, văn minh được tỏa sáng từ thời trước qua thời sau, sách vở xuất hiện, giáo dục bắt đầu phát triển, đạo lý được đề cao, trí thức được bồi dưỡng.
Sách Lã Thị Xuân Thu viết rằng: "Hoàng Đế sai ông Linh Xuân chế tác ra Nhạc luật; sai ông Đại Nhiễu chế ra Can, Chi, Giáp Tý, để làm lịch pháp, tính ngày, tháng, năm và giờ. "
Sách Đế Vương Thế ký chép, vua Hoàng Đế sai ông Kỳ Bá viết ra sách thuốc để dạy nghề y dược trị bịnh cho dân.
Hoàng Đế phân chia nước ra làm Châu, Quận, xây cất cung điện, chế ra áo mão cho các quan, phân biệt theo ngũ sắc.
Đặc biệt Hoàng Hậu của vua Hoàng Đế là bà Luy Tổ biết được cách trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa, nhờ đó mà Hoàng Đế mới chế tạo áo mão cho các quan.
Sách Thương Quân viết: "Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ. Vua Thần Nông mất rồi thì các bộ tộc nổi lên, mạnh hiếp yếu, đông hiếp ít, nên vua Hiên Viên Huỳnh Đế mới bày ra nghĩa vua tôi, trật tự trên dưới, lễ cha con, anh em, và sự phối hợp vợ chồng."
Xem thế thì thời vua Hoàng Đế xảy ra một biến chuyển quan trọng trong lịch sử về chánh trị và xã hội của nước Tàu.
Từ thời vua Thần Nông, dân chúng bắt đầu định cư để làm ruộng, nên có quan niệm tư sản. Đã có tư sản ắt có tranh giành, nên vua Hoàng Đế phải lập luật pháp và dùng hình phạt. Vua thâu điền thổ làm của công, đặt ra phép tỉnh điền để chia ruộng đất cho dân. Vua phong các bộ tộc làm chư Hầu được thế tập. Số chư Hầu lúc đó rất đông.
Vua Hoàng Đế sai khai thác mỏ đồng ở núi Thủ Sơn, đúc thành một cái đỉnh rất lớn hình trái bầu, gọi là Đỉnh hồ, cao một trượng 3 thước, có thể chứa 10 thạch lúa. Chung quanh đỉnh có chạm hình rồng bay và hình các thú lạ.
Khi chiếc đỉnh hoàn thành, nhà vua cầu Ngũ Long thiên võ, liền có Hùynh Long hạ giáng, chấm râu vào đỉnh.
Vua Hiên Viên Huỳnh Đế và Hoàng Hậu đều lo trau giồi tâm tánh, hằng tu nhơn tích đức.
Ngày kia, Đức Nguơn Thủy đang ngồi nơi Cung Ngọc Hư núi Côn Lôn, nhận thấy lòng thành của vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, nên sai học trò là Quảng Thành Tử xuống trần khai tâm và dạy đạo cho vua. Quảng Thành Tử vâng lịnh thầy, cỡi mây lành bay xuống thành vua trong đêm trăng sáng, gọi vua và Hoàng Hậu ra trước lầu Vọng Nguyệt dạy rằng:
- Lòng thành của hai vị thấu đến Ngọc Hư, nên ta vâng lịnh đến đây hướng dẫn và truyền pháp cho hai vị tu luyện. Hai vị hãy ráng dọn mình cho trong sạch, sắm sẵn một đỉnh đồng đặt trên lầu cao, khi nào cần hỏi điều chi thì đốt trầm hương trong đỉnh mà đảnh lễ cầu nguyện, tức thì ta hay được sẽ đến.
Nói xong, Quảng Thành Từ dùng phép khai quang cho vua Hiên Viên và Hoàng Hậu, rồi truyền cho phép luyện đạo.
Vua và Hoàng Hậu sau khi được hưởng phép Khai quang thì trí não quang minh sáng suốt, lời dạy bao nhiêu đều ghi nhớ rõ ràng. Từ đó hai vị chuyên tâm tu hành, việc triều đình thường giao cho các quan đầu triều lo liệu.
Khi nhà vua tu thuần thục rồi, liền đốt trầm hương nơi đỉnh đồng để cầu thầy là Quảng Thành Tử đến truyền đạo tiếp.
Lần lựa ngày tháng trôi qua, vua và Hoàng Hậu tu luyện đạt đến mức cao, Quảng Thành Tử hiện đến dạy rằng:
- Hai vị đã tu hành sắp đến ngày chứng quả, kể từ ngày mai, hãy ra lịnh cho bá quan văn võ miễn lai trào. Hai vị cố gắng giữ lòng thanh tịnh, trong vài ngày, ta sẽ đến.
Vua Hiên Viên và Hoàng Hậu lãnh ý, liền ra lịnh cho các quan bãi chầu trong 3 ngày, khiến các quan lấy làm lạ không biết lý do gì, nhưng cứ tuân theo chiếu chỉ.
Đến ngày thứ ba, các quan kéo đến ngọ môn xem vua có ra lịnh mới chi không, bỗng thấy một luồng gió cuốn trên không, mùi hương sực nức bay khắp cung điện, kế thấy từ trên lầu cao, vua và Hoàng hậu ngồi trên lưng rồng vàng, có mây lành đỡ dưới, bay thẳng lên Trời, rồi từ từ khuất vào đám mây.
Cả thảy bá quan và dân chúng đều biết rằng, vua Hiên Viên và Hoàng Hậu Luy Tổ đã tu hành lâu năm, nay đắc đạo, có Huỳnh Long bay xuống, rước về Trời.
Cho nên thơ cổ có câu: "Vân ám đỉnh hồ long khứ viễn" nghĩa là: mây che đỉnh hồ, rồng bay xa, để chỉ việc vua Hiên Viên và Hoàng Hậu đắc đạo, có rồng bay xuống rước lên Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét